MẶC ĐỒ BẢO HỘ
Tôi yêu cầu nhân viên của tôi mang khẩu trang N95, mang face shield khi tiếp xúc với bệnh nhân. Nhưng tôi chỉ yêu cầu mặc áo khoác bảo hộ mà không mặc đồ liền quần. Ngay cả khi tiếp xúc với F0, tôi cũng yêu cầu mặc đồ bảo hộ áo rời quần, có mang nón và bao giầy.
Khi lấy mẫu, tôi yêu cầu lấy cho mỗi bệnh nhân xong phải
thay găng, lấy cho tối đa là 5 người phải thay áo, hoặc khi người bệnh ho mạnh,
hắt hơi, thì phải thay áo.
Nhưng nhân viên của tôi không đồng ý, vì không ai mặc như vậy.
Ngay cả khi đi chích cộng đồng, có lẽ các bạn quê với người ta nên nói với tôi
là Quận yêu cầu phải mặc đồ liền quần. Cuối cùng thì cả đống đồ bảo hộ áo quần
rời phải cất đi, mua đồ bảo hộ áo liền quần cho nó giống người ta.
Ở Đà Lạt, tôi hay đổ xăng ở cây xăng đường Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Các em ở đây mặc nguyên bộ đồ bảo hộ áo liền quần màu xanh. Tuy nhiên, nón thì
các em bỏ ra sau lưng, áo thì kéo khóa kéo xuống ngang bụng, trông rất thanh niên,
khỏe mạnh.
Sở dĩ tôi yêu cầu nhân viên mặc đồ bảo hộ như trên, vì tôi
thấy virus Vũ Hán lây lan qua khu vực mũi miệng, nên phải bảo vệ khu vực ấy. Còn
phần thân thể, mặc đồ bảo hộ chỉ là để giọt bẩn nếu nhiều thì bám trên đó, khi
chúng ta cởi bỏ thì không dính vào quần áo và tri trét lên các bề mặt, rồi sau đó
chúng ta lại sờ tay lên rồi đưa lên mặt.
Do vậy, tôi không yêu cầu nhân viên trùm kín người. Tại sao
phải khổ hạnh khi không cần thiết? Ở Đà Lạt mặc bộ đồ đó đã là khó chịu, đến nỗi
các bạn ấy phải vạch phần mặt ra cho thoáng, thì ở Sài Gòn, mặc bộ đồ đó là cực
hình, nhất là không được mở máy lạnh.
Ngoài ra, bộ đồ quần áo rời dễ cởi ra hơn. Mặc đồ bảo hộ vô
không khó, vì khi mặc thì nó sạch. Nhưng cởi ra là cả vấn đề. Nếu không biết cởi
đồ bảo hộ, nguy cơ nhiễm có khi còn hơn là không mặc nó. Bộ đồ áo rời quần dễ cởi
ra, dễ lộn trái phải mà không tri trét giọt bẩn dính trên nó.
Tuy nhiên, tôi xem những tấm hình chụp nhiều người mặc đồ bảo
hộ, thì thấy rất nhiều người sử dụng bộ đồ ấy chủ yếu để che phần dưới cơ thể,
còn khu vực phần mặt thì cũng chỉ có cái khẩu trang. Vậy thì nguy cơ nhiễm cho
người đó cũng hệt như không mặc đồ bảo hộ.
Đồ bảo hộ, găng tay là để bảo vệ cho người mang nó. Nhưng
khi thao tác trên người khác, thì nó có thể là trung gian lây nhiễm. Nghe nói Bộ
Y tế cho phép mang một găng lấy mẫu cho nhiều người, chỉ cần sát trùng găng bằng
cồn. Và nhiều người phản ánh là nhiều nhân viên y tế còn không sát trùng găng
khi lấy mẫu bệnh phẩm cho người khác sau khi lấy cho người trước.
Vì vậy mà tôi yêu cầu nhân viên của mình phải thay găng khi
lấy mẫu cho người khác, và thay áo khi lấy tối đa cho 5 người. Lúc này, nếu nhân
viên mặc áo rời quần và chỉ thay áo thì rất dễ. Nhưng nếu mặc áo liền quần thì
sẽ là vấn đề, nhất là thay tại hiện trường.
Hôm nay, nhìn thấy tấm hình mấy bạn Campuchia mặc đồ. Tôi chợt nghĩ, có lẽ mình có tư duy giống bác sĩ Campuchia, nơi mà nền y tế được nhiều người cho là kém Việt nam xa lơ xa lắc, lạc hậu và sơ khai.
Nhận xét
Đăng nhận xét