ĐÃ CHƠI LÀ KHÔNG SỢ MƯA RƠI
Mấy ngày qua, GS Nguyễn Văn Tuấn thuộc học viện Garvan của Úc, một trong các Giáo sư hàng đầu trên thế giới về nghiên cứu các vấn đề về loãng xương, người thường xuyên phải sử dụng các phương pháp tầm soát, nghiên cứu về dịch tễ, có mấy bài viết về vấn đề xét nghiệm virus Vũ Hán.
Theo GS Tuấn, việc Việt nam tổ chức xét
nghiệm tầm soát trên 5 triệu người, hoặc 10 triệu người dân, là không nên, với
những lí do sau:
LÍ DO 1: Số ca dương tính rất thấp.
Ở Úc, xét nghiệm xét nghiệm trên 7.4 triệu người, kết quả có 0,4%
(tức 4 trên 1000) có kết quả dương tính. Nhưng khi xét nghiệm trên 21.5 triệu
người, chỉ có 0.1% (1 trên 1000 người) có kết quả dương tính. Nếu dùng con số
này (0.1%) làm điểm tham khảo, chúng ta dự báo rằng xét nghiệm trên 10 triệu
người ở TPHCM sẽ cho ra kết quả 10,000 người có kết quả dương tính. Tức là,
99.9% sẽ có kết quả âm tính.
LÍ DO 2: Chi phí quá tốn kém.
Ở Việt Nam thì chi phí, theo như một quảng cáo, là 750,000 đồng
(tức gần 33 USD). Nếu xét nghiệm theo nhóm thì chi phí có thể là 460,000 đồng
(20 USD). Nếu chúng ta lấy cái giá 20 USD là chi phí 'bảo thủ' (thấp), thì xét
nghiệm trên 10 triệu người sẽ tốn 200 triệu USD, hay 4000 tỉ đồng.
LÍ DO 3: Lợi ích quá thấp.
Mục tiêu tối hậu của xét nghiệm đại trà không chỉ là phát hiện
ca dương tính, mà là giảm tử vong. Giả dụ rằng chương trình xét nghiệm phát
hiện 10,000 người bị nhiễm. Trong số này, chỉ có 3% là nặng và cần điều trị
(theo số liệu của Bộ Y tế [5]), hay 300 bệnh nhân. Xác suất tử vong ở những
bệnh nhân nặng này là khoảng 17%. Do đó, con số tử vong dự kiến sẽ là 51 người.
Tuy nhiên, họ sẽ được điều trị, nên con số tử vong là 32 người. Nói cách khác,
chúng ta cứu được 18 người.
Tức là, chúng ta phải tầm soát 543,478 để giảm 1 ca tử vong. Chi
phí để xét nghiệm để giảm 1 ca tử vong là: 10,869,560 USD. Điều này càng nói lên rằng chúng ta sẽ phải
chi rất nhiều tiền, nhưng không đem lại hiệu quả cho công chúng bao nhiêu.
LÍ DO 4: Sai sót trong xét nghiệm.
Xét nghiệm đại trà dễ dẫn đến sai sót về kết quả. Sai sót xuất
phát từ 2 nguồn: khâu lấy mẫu và khâu xét nghiệm. Lấy mẫu đại trà ngoài cộng
đồng, trong môi trường không có kiểm soát, rất dễ bị 'contaminated', nhứt là
khi các mẫu được gom vào một rọ. Đó là chưa nói đến bảo quản mẫu trước khi
chuyển về phòng xét nghiệm.
Kĩ thuật xét nghiệm PCR tuy rất chính xác, nhưng vẫn có kết quả
dương tính giả và âm tính giả. Tuy con số không cao , nhưng nếu áp dụng cho 10
triệu người thì sẽ rất cao. Lấy kết quả seroprevalence mà giả dụ (nhấn mạnh là
'giả định') rằng có 0,24% trong cộng đồng bị nhiễm, và nếu xét nghiệm tất cả 10
triệu người, chúng ta sẽ có kết quả với con số sai sót quá lớn: 703.120 nguời
sẽ có kết quả sai. Dĩ nhiên, những con số đó có thể sai, vì giả định có thể
không đúng. Nhưng dù có sai thì con số kết quả xét nghiệm dương tính giả và âm
tính giả vẫn phải hơn 500.000 (nửa triệu) người.
GS Tuấn đề nghị cần phải THAY ĐỔI CHIẾN LƯỢC XÉT NGHIỆM theo
phương án XÉT NGHIỆM NGẪU NHIÊN.
Cái hồi tôi đi học, thầy giáo giảng bài môn
xác suất thống kê có nói, rằng chẳng ai ngu mà đi tầm soát trên hàng triệu người.
Người ta thiết kế các nghiên cứu trên số lượng mẫu nhỏ, nhưng có thể đại diện
cho cộng đồng lớn, và nghiên cứu trên đó. Bất cứ ai đã từng làm thạc sĩ hay tiến
sĩ y khoa đều biết về điều này. Điều mà GS Tuấn nói cũng là như vậy.
Ở trên, tôi tóm tắt lại ý kiến của GS Tuấn
về vấn đề xét nghiệm. Bạn nào muốn xem cụ thể các bài viết của GS Tuấn, xin mời
vô link bên dưới.
KHÔNG ĐỒNG Ý VỚI GS TUẤN
Mặc dù không cãi được GS Tuấn chỗ nào về
mặt lí luận khoa học, nhưng tôi lại kiên quyết phản đối ý kiến của GS Tuấn. Những
đề nghị của GS Tuấn không đúng với thực tế Việt nam.
Nếu bây giờ làm theo ý kiến của GS Tuấn,
thì bao nhiêu kit xét nghiệm đã nhập về, hoặc sắp nhập về, hoặc đã kí hợp đồng,
hoặc hợp đồng miệng, cùng với những chất xúc tác đã xong, phải làm sao? Chắc là
GS Tuấn không biết việc các nơi đồng loạt yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm âm
tính thì mới được lưu thông?
Xét nghiệm có chính xác hay không không
quan trọng. Đằng nào cũng sẽ thành công rực rỡ. Lợi ích thấp là GS Tuấn nói thôi,
chứ lợi ích mà thấp thật thì ai lại kiên quyết bắt phải làm chứ? Ngoài ra, Việt
nam không sợ tốn kém. Đã chơi là không sợ mưa rơi.
Tôi phản đối các bài viết của GS Tuấn.
https://www.facebook.com/t.nguyen.2016/posts/1272473113200003
https://www.facebook.com/t.nguyen.2016/posts/1273786493068665
Nhận xét
Đăng nhận xét